NẤM LINH CHI (GANODERMA) NGUỒN DƯỢC LIỆU QUÝ HIẾM ĐANG ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VƯỜN QUỐC GIA PHƯỚC BÌNH
Khu hệ nấm Vườn Quốc gia (VQG) Phước Bình có mức độ đa dạng cao theo các kiểu thảm thực vật nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá. Người dân sinh sống xung quanh VQG từ lâu đời đã khai thác và sử dụng một số loài nấm như là một nguồn thực phẩm và dược liệu cho cuộc sống của họ, trong đó một số loại nấm Linh chi được khai thác thành hàng hóa với giá trị thương mại cao, nguồn tài nguyên này sẽ bị khai thác cạn kiệt, mất cân bằng và làm giảm sút mức độ đa dạng sinh học của VQG, nên cần thiết có giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen quý hiếm này.
Tháng 11/2016 VQG Phước Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm Linh Chi thuộc chi Ganoderma có nguồn gốc từ VQG Phước Bình”. Với hệ thống trang thiết bị phòng nuôi cấy mô đã được đầu tư, đơn vị có điều kiện thực hiện tốt mục tiêu của nhiệm vụ, hướng đến phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần ổn định thu nhập cho người dân, giảm áp lực đến tài nguyên VQG.
Các nội dung chính của nhiệm vụ:
- Điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bố cũng như điều kiện sinh trưởng phát triển trong tự nhiên của nhóm nấm này sẽ là cơ sở cho những giải pháp bảo tồn và định hướng phát triển;
- Tuyển chọn, phân lập giống thành công, bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ 2 loài nấm Linh chi (Ganoderma) có nguồn gốc từ VQG Phước Bình;
- Tiến hành gửi mẫu phân tích, công bố các hoạt chất dược liệu có trong nấm làm luận chứng khoa học giải thích giá trị dược liệu của nấm Linh chi phân bố ở VQG Phước Bình;
- Xây dựng, thực hiện các mô hình và bước đầu chuyển giao mô hình nuôi trồng Nấm Linh chi (Ganoderma) có nguồn gốc từ VQG Phước Bình cho nhân dân.
Từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, VQG đã triển khai các hoạt động điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng phân bố và điều kiện sinh trưởng phát triển trong tự nhiên trên 08 tuyến điều tra được xây dựng. Bước đầu đã xác định được 08 loài nấm thuộc chi (Ganoderma), trong đó đã gửi các mẫu trong 03 loài để định danh theo phương pháp sinh học phân tử. Kết quả phân tích DNA và so sánh dữ liệu trên Genbank xác định tên chính xác 02 loài gồm Ganoderma Lucidum và Ganoderma neo-japonicum, và đây là 2 loài đang được người dân thu hái và có giá trị thương mại cao, một loài nữa chưa định danh chính xác được, phải cần thêm dữ liệu về bào tử nấm.
(Ganoderma Lucidum)
|
(Ganoderma neo-japonicum)
|
Từ kết quả định danh, nhóm thực hiện đã triển khai phân lập mẫu nấm Linh chi đỏ (Ganoderma Lucidum). Để xác định môi trường thích hợp nhất cho việc bảo quản và nhân giống, tiến hành khảo sát tốc độ tăng trưởng của hệ sợi nấm trên các loại môi trường có thành phần theo các công thức khác nhau, môi trường PGA; môi trường PGA cải tiến; môi trường Chang và môi trường MT4.
Biểu đồ thể hiện tốc độ lan tơ nấm trên các môi trường khảo sát
Kết quả trình bày cho thấy tốc độ lan tơ trên môi trường PGA cải tiến là nhanh nhất, chỉ sau 05 ngày nuôi cấy tơ nấm đạt 6,33±0.05 cm, lan kín toàn bộ đĩa thạch, tơ nấm có màu trắng bện chặt. Như vậy hàm lượng chất dinh dưỡng trong môi trường PGA cải tiến là thích hợp cho sự phát triển của tơ nấm loài Linh chi đỏ (Ganoderma Lucidum) so với các môi trường có thành phần khác. Nhóm thực hiện sẽ tranh thủ đang mùa nấm tiếp tục điều tra khảo sát trên các tuyến và đồng thời khảo sát thành phần cơ chất thích hợp để nuôi trồng./.
Nguyễn Anh Tuấn